|
REGRESAR

Quỹ kền kền: Thắng lợi của Ác-hen-ti-na tại Liên Hợp Quốc

Ngày 10 tháng 9 năm 2015, tại kì họp thứ 69, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua một nghị quyết với tựa đề “Những Nguyên tắc Cơ bản về các Quá trình Tái cơ cấu Nợ Công” (A/69/L.84). Nghị quyết này nhằm cải thiện cơ chế vận hành của hệ thống tài chính toàn cầu.

Mục đích của nghị quyết được trình bày trong các đoạn mở đầu, chính là việc tạo ra “những nguyên tắc rõ ràng cho việc giải quyết các cuộc khủng hoảng tài chính, trên cơ sở nghĩa vụ của cả quốc gia nợ và quốc gia là chủ nợ với niềm tin và tinh thần hợp tác”.

Dự thảo nghị quyết trên được đề xuất bởi Achentina và do Nam Phi đệ trình thay mặt cho nhóm G77 + Trung Quốc. Nghị quyết đã nhận được 136 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 41 phiếu trắng.

Nghị quyết đề ra chín Nguyên tắc Cơ bản mà các quá trình tái cơ cấu nợ công cần điều chỉnh. Các nguyên tắc này đạt được trên cơ sở một cuộc đàm phán đa phương minh bạch của Ủy ban Ad Hoc (Ủy ban đặc biệt) về Tái cơ cấu Nợ Công của Liên hợp quốc.

Chín Nguyên tắc nằm trong nghi quyết, cũng là một phần trong luật pháp quốc tế, bao gồm: Quyền tái cơ cấu nợ của các Quốc gia, tin cậy, minh bạch, công bằng, cơ chế đối xử bình đẳng giữa các chủ nợ, quyền miễn tố của quốc gia, hợp pháp, bền vững và tôn trọng quyết định của đa số.

Điểm lại một số các Nguyên tắc Cơ bản:

. Quyền tái cơ cấu nợ của các Quốc gia: "Một nhà nước chủ quyền có quyền (...) quyết định các chính sách kinh tế vĩ mô của họ, bao gồm cả việc tái cơ cấu các khoản nợ công, điều này không thể bị cản trở hay thất bại bởi các biện pháp lạm dụng.

.Tin cậy: Các quốc gia nợ cũng như các chủ nợ “cần phải có niềm tin và tinh thần hợp tác để đạt được tiếng nói chung về khoản nợ công”. Độ tin cậy này giả thiết rằng các cuộc đàm phán nhằm mục đích tái cơ cấu nợ cần được “xây dựng” và phải hướng tới mục tiêu “phục hồi nhanh chóng và lâu dài tính bền vững của khoản nợ”.

.Quyền miễn tố của Quốc gia: “Các quốc gia có quyền miễn tố xét xử và thi hành đối với bất kỳ quyết định của Toà án nước ngoài và trong bất kỳ trường hợp ngoại lệ đối với nguyên tắc này cần được diễn giải một cách chi tiết”.

.Bền vững: việc tái cơ cấu nợ sẽ dẫn đến trường hợp nợ bền vững, bảo tồn các quyền của chủ nợ nhưng đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của đất nước có nợ.

.Tôn trọng quyết định của đa số: “Thỏa thuận tái cơ cấu nợ công được sự đồng thuận của đa số chủ nợ của một Quốc gia không thể bị ảnh hưởng, đe dọa hay ngăn chặn bởi các Quốc gia khác hoặc bởi lượng thiểu số các chủ nợ, mà phải tôn trọng quyết định của đa số”.

Bối cảnh:

Năm 2002 Achentina phải đối mặt với khoản nợ 100 tỷ USD đến kỳ hạn thanh toán, điều này diễn ra trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Chính phủ sau đó đã áp dụng các biện pháp để bình thường hóa quan hệ tài chính quốc tế của đất nước, trong số các biện pháp này, Achentina đã hủy bỏ toàn bộ khoản nợ đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Đầu tư phát sinh (CIADI).

Chính sách này đã giúp Achentina sau một thập kỷ tuyên bố vỡ nợ đưa tỷ lệ nợ công tính theo đồng ngoại tệ từ 120% xuống đến dưới 8% của GDP.

Cũng trong quá trình này, Achentina sau rất nhiều cuộc đàm phán đã đạt được một thỏa thuận về hoán đổi nợ với 92,4% số chủ nợ, đạt 81 tỷ USD.

Kể từ việc hoán đổi nợ này, Achentina đã thanh toán đúng hạn tất cả các khoản nợ đã được tái cơ cấu, mặc dù nước này tiếp tục không được tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế.

Một điểm mấu chốt để Achentina đạt được thoả thuận hoán đổi nợ trên đó chính là sự cam kết không chi trả tỷ lệ cao hơn cho 7,6% chủ nợ đã từ chối hoán đổi  (holdouts) so với 92,4% chủ nợ đã tham gia hoán đổi.

Theo cam kết này, bao gồm trong các thỏa thuận đã ký, trong trường hợp Achentina trả cho 7,6% chủ nợ còn lại tỷ lệ cao hơn so với các khoản đã trả cho 92,4% chủ nợ trước đó, thì các chủ nợ này có quyền yêu cầu được đối xử bình đẳng.

Trong số 7,6% chủ nợ từ chối hoán đổi, quỹ đầu tư NML và Arelius (chiếm 1% trong tổng số) đã kiện Achentina ra nhiều tòa án quốc tế khác nhau nhằm buộc Achentina phải chi trả toàn bộ giá trị ghi trên trái phiếu.

Cũng phải nói thêm rằng, những holdouts kể trên không bao giờ cho Achentina vay tiền hay trả số tiền trị giá ghi trên trái phiếu, họ là những nhà đầu cơ mua lại các trái phiếu với giá rẻ mạt sau khi Achentina vỡ nợ.

Họ làm như vậy với mục đích duy nhất là kiện chống lại Achentina và có được một lợi nhuận khổng lồ, đây chính là lý do họ được gọi với tên“các quỹ kền kền”.

Rất nhiều các vụ kiện thất bại cho đến khi một thẩm phán của một tòa án tại New York- ông Thomas Griesa- đã đưa ra một phán quyết buộc Achentina phải trả cho NML và Aurelius số tiền bằng giá trị ghi trên trái phiếu: 832 triệu USD, tương đương  với đó, các chủ nợ nói trên sẽ thu được mức lợi nhuận 1608%.

Achentina từ chối tuân thủ phán quyết này và kháng cáo, tuyên bố rằng nếu Achentina chi trả số tiền trên cho các quỹ kền kền thì các chủ nợ còn lại -như đã giải thích ở trên -sẽ có quyền đòi hỏi được thanh toán ngang bằng với tỷ lệ các quỹ đầu cơ này nhận được -120 triệu USD- điều này phá vỡ các thỏa thuận tái cơ cấu nợ đạt được trước đó.

Để đưa ra phán quyết này, Griesa đã lập luận theo một điều khoản trong các thỏa thuận tái cơ cấu trúc, có tên là điều khoản pari passu, trong đó quy định quyền được yêu cầu đối xử bình đẳng của các chủ nơ đã chấp nhận thỏa thuận.

Tuy nhiên, điều khoản này đã bị bóp méo khi áp dụng, vì nó mở rộng phạm vi đến các chủ nợ đã từ chối thỏa thuận, nhưng trong thực tế chỉ được áp dụng cho các chủ nợ chấp nhận thoả thuận cuối cùng này.

Như một phần của các lập luận tranh cãi trên, vị thẩm phán này đã quyết định rằng, do Achentina đã trả cho các chủ nợ khác (nhóm chấp nhận thỏa thuận), chính vì vậy cũng cần chi trả cho các holdouts (nhóm không chấp nhận thỏa thuận), và phải trả toàn bộ các khoản nợ vì họ không chấp nhận hoán đổi.

Tháng 6 năm 2014, một cách đáng ngạc nhiên, Tòa án Tối cao của Hoa Kỳ đã bác bỏ kháng cáo của Achentina và giữ nguyên bản phán quyết của thẩm phán Griesa, người đã buộc Achentina phải chi trả theo phán quyết trước ngày 30 tháng 7.

Theo pháp luật nội địa của bất kì quốc gia nào, nếu 66% trên tổng số các chủ nợ đạt được một thỏa thuận với con nợ sau khi mất khả năng thanh toán, các chủ nợ còn lại phải tôn trọng thỏa thuận này, nhưng không tồn tạị khuôn khổ pháp lý quốc tế áp dụng tương tự trong trường hợp con nợ là một Nhà nước có chủ quyền.

Kẽ hở của pháp lý- phán quyết của thẩm phán Griesa –đã tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính quốc tế vì nó hàm ý rằng, trong trường hợp 99,9% số chủ nợ chấp nhận một thỏa thuận tái cơ cấu nợ công, 0,1% còn lại phản đối cũng có thể khiến cho thỏa thuận tái cơ cấu không còn hiệu lực.

Chính vì lí do này, tháng 8 năm 2014 Achentina đã đề xuất lên Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập một khuôn khổ pháp lý quốc tế để ngăn chặn các chủ nợ kiểu này phá hoại các thỏa thuận tái cơ cấu nợ công. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của hầu hết của các nước trên thế giới.

Ngày 8 tháng 9 năm 2014, cơ quan lập pháp quốc tế trên đã ban hành một nghị quyết được cho là sự khởi đầu tiến tới thành lập khung pháp lý quốc tế chính thức như đề xuất của Achentina, lập ra Ủy ban Ad Hoc để thực hiện các vấn đề liên quan đế Tái Cơ cấu Nợ Công.

Trong vòng một năm, Ủy ban nói trên đã thực hiện 3 cuộc họp chính thức và rất nhiều cuộc họp không chính thức, trong đó các Quốc gia đã đưa đến thống nhất soạn thảo 9 Nguyên tắc Cơ bản. Các tổ chức tài chính quốc tế đã tham gia vào các cuộc họp trên với tư các khách mời.

Achentina hoan nghênh việc ban hành nghị quyết này của Đại hội đồng – cơ quan dân chủ và đại diện nhất của Liên hợp quốc- đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy quyết tâm của tổ chức này để đạt được một hệ thống tài chính quốc tế hiệu quả, bền vững và có thể dự đoán.

 

 

Updated date: 28/07/2016